Ngoài cách thu phí kiểu mới bằng thẻ ghi nhận kilômet, các trạm thu phí cũng sẽ bố trí cả trên quốc lộ 1A để việc thu phí đạt hiệu quả cao nhất.
Sơ đồ các trạm thu phí đường cao tốc TP.HCM- Trung Lương và trạm thu trên quốc lộ 1A
Ông Lê Đức Tuân, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, cho biết từ 8g ngày 25-2 tất cả trạm thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương bắt đầu thực hiện thu phí. Trả tiền sau khi ra khỏi đường cao tốc Theo ông Tuân, trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 40km sẽ có hai trạm thu phí chính đặt ở đầu tuyến thuộc Chợ Đệm (TP.HCM) và cuối tuyến tại Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang). Ngoài ra còn hai trạm thu phí phụ đặt tại Bến Lức và TP Tân An (Long An). Theo đó, tất cả phương tiện được phép lưu thông trên đường cao tốc đều phải nộp phí, trừ đối tượng được quy định của Bộ Tài chính như xe cứu thương, xe cứu hỏa... Quy trình thu phí đường cao tốc khác với thu phí cầu đường hiện nay. Khi bắt đầu vào đường cao tốc, tài xế dừng lại tại cabin của trạm thu phí. Nhân viên thu phí sẽ phát vé (dạng thẻ từ, không phải bán vé như các trạm thu phí khác). Trên vé có ghi các thông tin về địa điểm, mã trạm ngõ vào đường cao tốc, loại xe. Khi ra khỏi đường cao tốc, tài xế xuất trình vé đã nhận tại điểm vào. Máy sẽ kiểm tra và xác định số kilômet mà phương tiện đã lưu thông trên đường cao tốc, đồng thời tính tiền và in chứng từ thanh toán. Tài xế trả tiền và nhận chứng từ. Nhân viên thu phí sẽ thu lại vé. Căn cứ xác định trọng tải phương tiện để tính phí là giấy chứng nhận đăng ký xe do cơ quan thẩm quyền cấp. Do đó, nhiều trường hợp tài xế phải xuất trình giấy chứng nhận đăng ký xe nếu không xác định trọng tải phương tiện, kể cả xe chở hàng bằng container. “Né” đường cao tốc cũng phải mua vé Vấn đề nhiều người quan tâm là liệu có thể “né” đường cao tốc bằng cách chạy trên quốc lộ 1A hay không? Câu trả lời là có thể “né” trong thời gian đầu, còn lâu dài thì không thể. Ngày 11-9-2009, Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho chủ trương đặt một trạm thu phí trên quốc lộ 1A đoạn từ Bình Chánh (TP.HCM) đến Trung Lương (Tiền Giang) để thu phí hỗ trợ hoàn vốn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và điều tiết lưu lượng xe giữa đường cao tốc và quốc lộ 1A. Tại văn bản ngày 10-2-2011 gửi UBND tỉnh Long An đề nghị thống nhất địa điểm xây trạm thu phí trên quốc lộ 1A, Công ty CP phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC, nay đã chuyển giao quyền thu phí cho Tổng công ty Cửu Long) nêu rõ trạm thu phí này có tám làn xe cơ giới và hai làn xe quá khổ, quá tải. Hình thức thu phí là “vé quốc lộ lượt”, mức thu theo quy định tại thông tư 90 của Bộ Tài chính với giá vé là 10.000 đồng/vé/lượt đối với ôtô dưới 12 chỗ. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Trung tâm Quản lý đường cao tốc xác nhận giá vé tại trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1A chỉ bằng 1/4 so với giá vé đường cao tốc áp dụng từ ngày 25-2. Như vậy, nếu ôtô không chạy trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương mà “né” qua quốc lộ 1A thì vẫn phải mua vé, nhưng mức phí chỉ bằng 25% giá vé đường cao tốc. Tuy nhiên, do hiện nay trạm thu phí này chưa xây dựng nên tạm thời ôtô lưu thông trên quốc lộ 1A chưa phải mua vé. Vị trí xây dựng trạm thu phí trên quốc lộ 1A tại km1953+200 thuộc phường Tân Khánh và Khánh Hậu, TP Tân An, tỉnh Long An. Vị trí này nằm giáp ranh với xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Diện tích đất dự kiến xây dựng trạm thu phí trên quốc lộ 1A khoảng 1ha. Dự kiến kinh phí bồi thường, giải tỏa hơn 10 tỉ đồng. Theo một cán bộ Trung tâm Quản lý đường cao tốc, việc xây dựng trạm thu phí trên quốc lộ 1A nhanh hay chậm còn phụ thuộc nhiều vào số lượng xe lưu thông trên đường cao tốc sau ngày 25-2. Nếu phương tiện “né” ít thì sẽ từ từ xây dựng, ngược lại sẽ xây ngay để thu phí. Thời gian giải phóng mặt bằng, xây dựng chỉ mất vài tháng. Trong khi đó, ông Lê Đức Tuân nói hiện giờ BEDC vẫn chưa bàn giao hồ sơ dự án này nên Tổng công ty Cửu Long chưa thể trả lời chi tiết được. Còn ông Nguyễn Thanh Nguyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, nói từ khi BEDC trả lại việc thu phí đường cao tốc cho Bộ GTVT đến nay chưa có ai liên hệ với tỉnh để tiến hành các thủ tục giải phóng mặt bằng xây dựng trạm thu phí này. Trạm thu phí trên quốc lộ 1A từng bị phản đối Ông Nguyễn Thanh Nguyên cho biết phải mất một năm đàm phán ròng rã, tỉnh và Bộ GTVT mới thống nhất được vị trí xây dựng. Ban đầu Bộ GTVT thống nhất chọn địa điểm xây dựng trạm thu phí tại km1940, tức tại mũi tàu Cầu Ván thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tuy nhiên, tỉnh Long An quyết liệt phản đối vì cho rằng trạm thu phí này sẽ chia cắt giao thông của tỉnh Long An. Các phương tiện ở năm huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa, Đức Huệ về TP Tân An buộc phải mua vé vì “né” đường cao tốc là bất hợp lý vì các phương tiện này không hề sử dụng đường cao tốc. Bên cạnh đó, xe buýt, xe khách từ Long An đi Chợ Lớn cũng chỉ lưu thông trên quốc lộ 1A. Ngoài ra, đặt trạm thu phí tại đây sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư về tỉnh vì cách đó 33km đã có trạm thu phí An Lạc tại quận Bình Tân, TP.HCM. Qua rất nhiều cuộc họp và trao đổi qua lại, cuối cùng Bộ GTVT và tỉnh cũng thống nhất dời trạm thu phí về giáp ranh địa phận tỉnh Tiền Giang. Nguồn: cauduongcang |