Theo công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM, đơn vị này đang chuẩn bị thi công dự án lắp đặt đường ống thoát nước D1500 băng ngang quốc lộ 1A (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn – Nguyễn Thị Tú, quận Bình Tân) bằng công nghệ khoan kích ngầm.
Đầu kích (robot) dùng khoan ngầm do nhà thầu Trung Quốc đưa sang TP.HCM tháng 7.2008 để thi công dự án Nhiêu Lộc- Thị Nghè.
| Đoạn đường kích ngầm tuyến ống này có chiều dài 131m. Tổng chi phí cho dự án 21,6 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố. Sau khi hoàn thànhdự án, nước sẽ được thoát ra từ đường ống này đổ về cầu Bưng và xả xuống kênh Tham Lương.
Ông Lê Thọ Đắc, phó giám đốc công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM, đơn vị chủ thầu và thi công dự án cho biết, đây là dự án do UBND TP.HCM lập ra để thí điểm ứng dụng công nghệ khoan kích ngầm. Do trước đó, thành phố đã đầu tư dây chuyền công nghệ khoan kích ngầm với quy mô có khả năng kích được đường ống từ D1200 đến D1500. Dự án được tiến hành theo hình thức tổng thầu chìa khoá trao tay, dự kiến sẽ thi công vào đầu quý 2/2012 và hoàn thành trong vòng năm tháng. “Thông qua dự án này sẽ làm cơ sở lý thuyết về các quy chuẩn như: quy chuẩn nghiệm thu, quy chuẩn kích ống, bởi hiện nay Việt Nam chưa có quy chuẩn này. Sau khi hoàn thành dự án này, chúng tôi sẽ thuê viện Khoa học và công nghệ (bộ Xây dựng) lập tiêu chuẩn nghiệm thu, tiêu chuẩn kích ống; viện Kinh tế xây dựng (bộ Xây dựng) lập đơn giá định mức”, ông Đắc nói. Trả lời câu hỏi công nghệ mà TP.HCM đầu tư có hơn gì so với công nghệ Trung Quốc thực hiện ở một số công trình trước đây, ông Đắc cho biết: “Lúc trước, nhà thầu Trung Quốc rút đi đã đưa hết máy móc, chỉ còn để lại đầu khoan và chúng tôi đã cải tạo đầu khoan để thay đổi công nghệ lấy đất. Công nghệ lấy đất mà nhà thầu Trung Quốc sử dụng là lấy đất nguyên thổ, sau đó chúng tôi cải tạo bằng cách dùng nước áp lực cao để phá đất thành dung dịch bùn. Trong khi đó, công nghệ hiện nay mà thành phố đầu tư là công nghệ của Đức cũng dùng nước áp lực cao để phá đất thành dung dịch bùn, còn tất cả các phần khác đều giống nhau như lúc trước chúng tôi thực hiện. Do đó, sẽ không có gì khó khăn trong việc thực hiện công nghệ này”. Cũng theo ông Đắc, kích ngầm không phải đào đường nên trong quá trình kích ngầm, giao thông trên đường vẫn hoạt động bình thường, không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt của người dân. Nguồn: cauduongcang |